Lý do sao Hollywood không thể giúp bà Kamala Harris thắng cử

27/12/2024
|
0 lượt xem
Giải Trí Giới Sao Quốc Tế
Lý do sao Hollywood không thể giúp bà Kamala Harris thắng cử

Thông tin ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tái đắc cử vị trí tổng thống Mỹ hôm 5/11 gây nhiều phản ứng trong giới sao nước này. Các sao hạng A ủng hộ bà Kamala Harris như Taylor Swift, Beyoncé, Lady Gaga giữ im lặng còn số khác lên mạng xã hội cho biết thất vọng, lo sợ tương lai dưới chính quyền của ông Trump, theo Hollywood Reporter.

Trên Instagram, ca sĩ Billie Eilish gọi kết quả bầu cử Mỹ năm nay là "cuộc chiến chống lại nữ giới", còn diễn viên Jamie Lee Curtis cho rằng các cộng đồng như dân tộc thiểu số, LGBTQ+, giới trẻ và phụ nữ e ngại bị hạn chế quyền lợi trong tương lai. Rapper Cardi B đăng bài cảm ơn bà Harris đã tham gia cuộc đua Nhà Trắng, giúp cô và con gái của mình - bé Kulture, sáu tuổi - thấy phụ nữ da màu có thể ứng cử vị trí tổng thống Mỹ.

Về phía những người ủng hộ ông Donald Trump, diễn viên Jon Voight - bố minh tinh Angelina Jolie - dự tiệc mừng tân tổng thống. Joe Rogan - người dẫn podcast, từng phỏng vấn ông Trump trên show riêng - đăng video cổ vũ bài phát biểu chiến thắng của ông.

Diễn viên Jon Voight (phải) và thống đốc bang Arkansas - bà Sarah Huckabee Sanders - tại tiệc mừng do ông Donald Trump tổ chức ở dinh thự Mar-a-Lago, Florida, hôm 5/11. Ảnh: Instagram Sarah Huckabee Sanders

Nhiều chuyên gia nhận định sự ủng hộ của nghệ sĩ không ảnh hưởng lớn đến lá phiếu cử tri. Cây bút Seth Abramovitch của Hollywood Reporter giải thích một phần do fan của Oprah Winfrey, Katy Perry, Beyoncé và Lady Gaga từ đầu đã bầu cho ứng viên Harris mà không cần thần tượng kêu gọi. Hầu hết họ là người da màu, phụ nữ, đồng tính và theo chủ nghĩa dân chủ.

Về Taylor Swift, nhà báo nhận xét cô là ngoại lệ vì có lượng fan lớn thuộc cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ. Tuy nhiên, cô không đủ sức hút hai nhóm chủ lực - người Mỹ Latin và da màu - giúp ông Trump thắng cử năm nay. Theo Reuters, ông Trump giành sự tín nhiệm của hai cộng đồng này nhờ hứa bảo vệ người lao động khỏi cạnh tranh kinh tế toàn cầu, đề xuất giảm thuế nếu ông thành tổng thống.

Tổng thống đắc cử - ông Donald Trump - tại buổi phát biểu ở Florida, Mỹ, hôm 6/11. Ảnh: AFP

Lượt truy cập website bầu cử tăng gấp 10 lần sau 24 giờ Taylor Swift đăng bài ủng hộ bà Harris trên Instagram hôm 10/9 nhưng không đồng nghĩa số người này bỏ phiếu cho bà.

Giáo sư Margaretha Bentley - chuyên nghiên cứu tầm quan trọng của Taylor Swift trong xã hội, tại đại học Arizona State - cho biết sự vận động của nghệ sĩ làm tăng lượng người đăng ký bỏ phiếu nhưng không tác động trực tiếp cách họ bầu ai.

Phần lớn sinh viên khẳng định quan điểm của gia đình, bạn bè và bản thân mới ảnh hưởng quyết định của họ. "Cử tri sẽ tìm hiểu ứng viên do nghệ sĩ giới thiệu nhưng vẫn bỏ phiếu dựa trên quyết định cá nhân", bà Margaretha Bentley kết luận.

Trong đề tài nghiên cứu Người nổi tiếng củng cố nền văn hóa dân chủ của đại học Harvard xuất bản tháng 8, tác giả Ashley Spillane chỉ ra nghệ sĩ thúc đẩy sự chú ý của công dân phi đảng phái, từ khuyến khích đăng ký bỏ phiếu đến làm tình nguyện viên hỗ trợ bầu cử, nhưng khó xác định liệu sự gia tăng này đem đến kết quả tích cực cho ứng viên mà người nổi tiếng ủng hộ hay không.

    Bà Kamala Harris dùng nhạc Taylor Swift cho chiến dịch tranh cử

Bà Kamala Harris dùng ca khúc "The Man" của Taylor Swift để kết thúc buổi vận động tháng 9. Video: Betches News

Các thành viên đảng Cộng hòa thường nhấn mạnh quan điểm nghệ sĩ thuộc "giới tinh hoa" và "những lợi ích của các sao thường không cần thiết với tầng lớp bình dân". Guardian dẫn ví dụ về Beyoncé, cho rằng cô hiếm khi quan tâm những vấn đề như giá xăng, vốn thiết yếu với đời sống đại chúng.

Trên Rolling Stone ngày 2/11, "ông già gân" Hollywood Harrison Ford quay video ủng hộ bà Kamala Harris, nhận xét bà và ông Tim Walz - ứng viên phó tổng thống - là những người tin vào pháp quyền, khoa học, sẽ hành động vì tất cả dân Mỹ và sự đoàn kết của dân tộc. Tờ Sydney Morning Herald đánh giá lý tưởng của Ford trừu tượng, khó tác động đến đến nhóm người chịu áp lực tài chính. Trang tin lập luận người dân có thể cảm thấy xa cách với nhóm nghệ sĩ vì nhu cầu và mối quan tâm khác nhau.

Tháng 8, YouGov khảo sát 1.137 người Mỹ về tác động của người nổi tiếng đến chính trị. Theo đó, nhiều cá nhân, nhất là thành viên đảng Cộng hòa, nghĩ giới giải trí không nên can dự lĩnh vực này. Gần 7% người nghe theo sự vận động của các sao. Khoảng 51% người nói ấn tượng không tốt với giới sao sau khi họ bày tỏ quan điểm chính trị.

Ca sĩ Beyoncé tại buổi mít tinh của bà Kamala Harris ở Texas hôm 25/10. Ảnh: AFP

Mặt khác, nhiều cử tri chọn tin vào các thuyết âm mưu, từ đó hoài nghi độ uy tín của giới giải trí trước các vụ bê bối tình dục của nghệ sĩ. Một số người ủng hộ Trump phản đối các sao bằng cách cáo buộc người nổi tiếng liên quan đến các bữa tiệc trụy lạc của rapper Diddy - "trùm nhạc rap" đang bị giam với các cáo buộc về tổ chức mại dâm, xâm hại trẻ em.

"Sẽ luôn có một bộ phận cử tri không tin tưởng Hollywood, nghiêng về các thuyết âm mưu hơn", nhà báo Seth Abramovitch nhận xét.

Theo Laurence F. Maslon - giáo sư chuyên ngành nghệ thuật đại học New York, Mỹ, chỉ có một tình huống duy nhất nghệ sĩ có thể tạo khác biệt trong bầu cử là tự ứng cử. Ông đề cập các diễn viên thành công trên chính trường Mỹ như George Murphy - thượng nghị sĩ Mỹ nhiệm kỳ 1965-1971, Ronald Reagan - tổng thống thứ 40, và cựu thống đốc bang California - Arnold Schwarzenegger. Điểm chung của họ là đảng viên Cộng hòa. Maslon cũng liệt kê ông Trump vào nhóm này vì ông từng đóng phim.

Phương Thảo (theo Guardian, Hollywood Reporter)

Tin liên quan
Tin Nổi bật