'Việt Nam đủ khả năng làm cầu nối giao thương và kết nối liên khu vực'

04/01/2025
|
0 lượt xem
Thế Giới
'Việt Nam đủ khả năng làm cầu nối giao thương và kết nối liên khu vực'

Phát biểu tại Đối thoại giữa Lãnh đạo APEC với khách mời tại Trung tâm Hội nghị Lima, Peru ngày 15/11, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nền kinh tế trong và ngoài APEC để thúc đẩy các kết nối liên khu vực hiệu quả, có lợi cho tất cả người dân và doanh nghiệp, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Chủ tịch nước cho rằng với vị trí địa lý thuận lợi và mạng lưới logistics hiện đại, Việt Nam có đủ khả năng đóng vai trò cầu nối trong mở rộng giao thương và kết nối liên khu vực. Việt Nam cũng đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy hợp tác giữa Cộng đồng kinh tế ASEAN và khu vực Mỹ Latin năng động, sáng tạo.

Chủ tịch nước Lương Cường ủng hộ quan điểm hợp tác, kết nối liên khu vực vừa là cơ hội, vừa là yêu cầu cấp thiết cho phát triển. Là khu vực đứng đầu thế giới về quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ hội nhập kinh tế quốc tế, châu Á - Thái Bình Dương đang tự tin bước vào một kỷ nguyên mới vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng, bền vững và bao trùm hơn.

Chủ tịch nước Lương Cường dự Đối thoại giữa Lãnh đạo APEC với khách mời tại Trung tâm Hội nghị Lima, Peru ngày 15/11. Ảnh: TTXVN

Trong thế giới đầy biến động, thách thức, châu Á - Thái Bình Dương không thể "đi một mình" mà cần "cùng tiến bước" với các khu vực khác. Tăng cường hợp tác, kết nối sẽ giúp các khu vực chia sẻ tri thức, phối hợp chiến lược, điều phối chính sách và nguồn lực, qua đó mở ra các không gian tăng trưởng mới, Chủ tịch nước cho hay.

Để xây dựng các liên kết kinh tế khu vực hiệu quả, Chủ tịch nước nhấn mạnh ba nguyên tắc gồm tăng cường đối thoại, đồng thuận, gìn giữ môi trường hòa bình cho phát triển; tôn trọng luật pháp quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; bảo đảm lợi ích cân bằng, bao trùm, bình đẳng, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Ông cũng nêu ra 4 giải pháp chính cho mục tiêu trên, đó là triển khai quá trình liên kết có chọn lọc và theo lộ trình, phát huy tối đa lợi thế và tính bổ trợ giữa các khu vực; hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả các cơ chế hiện có; khơi thông nguồn lực, phát huy hiệu quả của các quan hệ đối tác Bắc - Nam, Nam - Nam, đối tác công - tư.

Các bên cũng cần chú trọng xây dựng các cầu nối liên khu vực, liên cộng đồng, các mạng lưới hợp tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, liên kết thương mại - đầu tư, tài chính - ngân hàng, hạ tầng, giao lưu văn hóa - nhân dân.

Đối thoại giữa Lãnh đạo APEC với khách mời là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao và là cơ hội để các lãnh đạo APEC trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực.

Diễn đàn APEC có 21 nền kinh tế thành viên, gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản..., 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, với khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.

Việt Nam hiện là Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu giai đoạn 2026-2030, chủ trì xây dựng Báo cáo Chính sách Kinh tế APEC 2025. Việt Nam sẽ đăng cai Năm APEC 2027.

Huyền Lê

Tin liên quan
Tin Nổi bật